Bảo tồn Lợn_hung

Tại Hà Giang, trong phạm vi "Dự án Biodiva" lợn này được phát hiện tại Hà Giang, năm 2011 Viện chăn nuôi đã có một đề tài nghiên cứu khai thác giống lợn này tại Hà Giang. Tại Lai Châu cũng đã có một vài bài báo đề nghị bảo tồn loại lợn này tại Sìn Hồ. Tuy nhiên cần nghiên cứu bài bản hơn để khẳng định. Hiện nay đang có một đề tài nghiên cứu về giống lợn này: "Khai thác và phát triển nguồn gen lợn hung tỉnh Hà Giang" do Viện chăn nuôi chủ trì với kinh phí khoảng 2 tỉ[2]. Viện Chăn nuôi đã thực hiện việc điều tra bổ sung, đánh giá hiện trạng chăn nuôi lợn hung tại tỉnh Hà Giang và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt[10]. Đã tuyển chọn và xây dựng đàn hạt giống lợn hung với quy mô 40 con. Xây dựng quy trình chăm sóc, nuôi dướng và vệ sinh thú y phòng bệnh cho lợn hung sinh sản và thương phẩm. Xây dựng 02 mô hình chăn nuôi lơn Hung sinh sản với quy mô 30 con/mô hình và 02 mô hình chăn nuôi lợn hung thương phẩm quy mô 100 con/mô hình[7]. Tổ chức tập huấn cho 30 người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi lợn hung sinh sản và thương phẩm[8].

Đứng trước thực trạng số lợn hung ngày càng giảm do lai tạp với các loại giống khác, năm 2009, Viện Chăn nuôi đã kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện Sìn Hồ triển khai phương án nuôi, bảo tồn tại 2 bản Phìn Hồ và Seo Lèng 1 của xã Phìn Hồ. Với 10 cá thể lợn hung được chọn nghiên cứu thí điểm, trong đó 8 cá thể là lợn cái, 2 cá thể lợn đực được chọn và nuôi ở 8 hộ gia đình thuộc 2 bản Phìn Hồ và Seo Lèng. Sau thời gian thực hiện, 7/8 nái đã phối thành công và khả năng sinh sản như sau: số lượng giống thuần chủng: 49 cá thể; tỷ lệ lông màu đen: 22 cá thể, hung: 27 cá thể. Theo đánh giá của Viện Chăn nuôi quốc gia, Dự án nuôi, bảo tồn giống lợn hung đã thành công đúng với tiến độ cũng như yêu cầu kỹ thuật đề ra[4][9].

Sau khi thí điểm thành công, dựa trên khuyến cáo bảo tồn giống lợn hung của Viện gửi về, Trạm Khuyến nông Sìn Hồ cũng đã hướng dẫn bà con giữ giống đực để phối giống tạo ra dòng thuần chủng. Nhưng do không có kinh phí hỗ trợ nên bà con vẫn nuôi theo hướng tự phát. Vì vậy, giống lợn này hiện bị lai tạp nhiều. Trước mắt, địa phương vẫn chưa có phương án cụ thể nào để bảo tồn hiệu quả giống lợn hung này. Viện đã xây dựng đề cương Bảo tồn và phát triển giống lợn hung tại Sìn Hồ nhưng đến nay vẫn chưa được xét duyệt. Trong thời gian chờ đợi, Viện đã chủ động gửi công văn đề nghị tỉnh Lai Châu và huyện Sìn Hồ ứng trước kinh phí để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của giống lợn hung quý, theo Luật Đa dạng sinh học đã quy định rõ, mọi cấp liên quan phải cùng có trách nhiệm bảo tồn[5].

Năm 2012, Viện Chăn nuôi đã phối hợp cùng Trạm Thú y huyện Bắc Mê lựa chọn một số cá thể lợn hung có bộ gen thuần chủng nhất để hỗ trợ người dân bảo tồn và phát triển giống lợn này. Nhờ đó, đàn lợn hung sinh sản thêm nhiều cá thể mới. Giống lợn hung ở Bắc Mê và bộ gen của nó được cho là quý hiếm và cần bảo tồn, nếu không kịp thời bảo tồn và phát triển, có thể nguồn gen của giống lợn này sẽ biến mất. Viện chăn nuôi đã lựa chọn được 15 cá thể lợn, trong đó 12 lợn nái và 3 lợn đực ở thị trấn Yên Phú có bộ gen gần như nguyên chủng, để hỗ trợ bảo tồn, các cá thể lợn được lựa chọn sẽ được hỗ trợ kinh phí mua thức ăn, thuốc thú y, thuốc tiêu độc khử trùng theo liều lượng được tính toán khoa học của Viện trong vòng 3 năm, mỗi năm 10 tháng. Để thuận tiện cho việc theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của đàn lợn, tất cả các cá thể lợn hung được lựa chọn và được bấm thẻ tai.

Trạm Thú y huyện có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra đàn lợn và hoạt động chăn nuôi lợn của các hộ gia đình có lợn. Hàng tháng, quý báo cáo tình hình phát triển, động dục và thực hiện giao phối (nếu có) với các cá thể lợn trong phạm vi được hỗ trợ bảo tồn. Đối với các hộ có lợn trong chương trình hỗ trợ được làm các bản cam kết với Trạm Thú y huyện và Viện Chăn nuôi về các điều kiện chuồng trại, thực hiện tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng và cung cấp đủ lượng thức ăn, khẩu phần ăn trong mỗi thời gian, quá trình phát triển của lợn theo yêu cầu của Viện chăn nuôi. Sau 3 năm được sự hỗ trợ bảo tồn từ Viện Chăn nuôi, đàn lợn Hung ở Bắc Mê với nguồn gen gần như nguyên chủng đã tăng lên đáng kể.

Viện Chăn nuôi đã lựa chọn và hỗ trợ cho tổng cộng 25 cá thể lợn hung. Ngoài ra, trong những năm qua, đàn lợn hung đã sinh sản thêm nhiều lứa lợn và các gia đình đã xuất bán, tăng thêm thu nhập để tái đầu tư bảo tồn giống lợn này. Hiện tại thời gian hỗ trợ của Viện Chăn nuôi đã kết thúc, người dân từ trước đến nay thường có nhận thức hỗ trợ thì tập trung phát triển, không hỗ trợ thì thiếu động lực và không quan tâm mà để phát triển tự nhiên, dễ dẫn đến tình trạng đàn lợn phát triển không tốt. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, rất cần được các cấp, ngành nông nghiệp quan tâm, hỗ trợ để bảo tồn giống lợn này ở Bắc Mê[1].

Năm 2011, Viện Chăn nuôi đã tiến thêm một bước nữa trong việc phát triển giống lợn hung, đó là tạo đàn hạt nhân và sinh sản để chuẩn bị cho bước tiếp theo là tạo dựng một giống mới với quy mô lớn hơn, cao hơn về chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường đang ưa chuộng các giống bản địa. Nếu so với tiêu chuẩn "thịt hữu cơ" mà các nước phát triển đề ra, chắc chắn thịt các loài vật nuôi ở miền núi tiến sát. Với những thế mạnh của lợn hung, huyện Hoàng Su Phì đang tiến tới đưa nhanh giống bản địa này ra thương trường với số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn, đồng thời, đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, công tác bảo tồn giống vật nuôi quý này cũng gặp phải những khó khăn. Vì vậy, Viện Chăn nuôi Quốc gia đã xây dựng đề cương bảo tồn và phát triển giống lợn hung để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn[6].